Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VH-TT-DL) đang lấy ý kiến rộng rãi về dự thảo Luật Quảng cáo sửa đổi, bổ sung. Trong đó, nhiều ý kiến từ các đơn vị truyền thông và công ty có sản phẩm cần quảng cáo đã thể hiện sự quan tâm đến điều 36 dự thảo luật liên quan đến “người có tầm ảnh hưởng” tham gia chuyển tải sản phẩm quảng cáo.
“Người có tầm ảnh hưởng” hiện đang đóng vai trò rất quan trọng trong hoạt động quảng cáo hiện nay, có tác động trực tiếp đến sự quan tâm của người tiêu dùng, ảnh hưởng lớn đến hình ảnh doanh nghiệp được quảng cáo, doanh số bán hàng… Thế nhưng, việc quản lý, hay thậm chí ngay cả khái niệm về “người có tầm ảnh hưởng” hiện cũng chưa rõ ràng. Luật Bảo vệ người tiêu dùng thì định nghĩa “người có tầm ảnh hưởng” tham gia chuyển tải sản phẩm quảng cáo là những người sở hữu tài khoản mạng xã hội trên nền tảng xuyên biên giới có số lượng người theo dõi, đăng ký từ 500.000 người trở lên. Thế nhưng, hiện chuyện người nổi tiếng/người có tầm ảnh hưởng/người có nhiều lượt theo dõi trên mạng xã hội… tham gia quảng cáo có muôn hình vạn trạng.
Thông thường, giới quảng cáo trên nền tảng mạng xã hội chia những người tham gia quảng cáo thành 2 dạng. Đầu tiên là KOLs (Key Opinion Leader) được hiểu là người nổi tiếng và có tầm ảnh hưởng như giới nghệ sĩ, các chuyên gia… Thứ hai là KOC (Key Opinion Consumer) được hiểu là người dùng sản phẩm và đưa ra cảm nhận trên các nền tảng mạng xã hội qua video, hình ảnh…
Thực tế mạng xã hội hiện nay, sự phân biệt giữa KOLs và KOC dần trở nên nhạt nhòa, trộn lẫn. Nhiều nghệ sĩ giờ cũng thành người đánh giá sản phẩm như một KOC. Trong khi đó, nhiều tài khoản mạng xã hội nhờ vào sự xây dựng nội dung khéo léo đã thu hút người dùng theo dõi lên đến vài triệu lượt, được các nhãn hàng mời tham dự các phiên livestreams (phát trực tiếp) bán hàng với doanh thu tiền tỷ. Từ sự nổi tiếng đó, họ liên tục được mời tham dự sự kiện, thậm chí bắt đầu rẽ sân sang nghệ thuật như: tham gia đóng phim, làm MV, tham gia các show truyền hình thực tế, đi hát ở một số sân khấu nhỏ…
Chính vì tầm ảnh hưởng không thể phủ nhận của người nổi tiếng/người có tầm ảnh hưởng/nghệ sĩ/người có nhiều lượt theo dõi trên mạng xã hội… mà hơn bao giờ hết, cần có những định nghĩa cụ thể, cập nhật rõ ràng theo kịp xu hướng để đưa vào luật. Từ đó, các đơn vị quản lý dễ theo dõi và xử lý khi có sự cố xảy ra, công ty có sản phẩm cần quảng cáo dễ dàng thực hiện hợp đồng, chiến dịch quảng cáo…, và cao hơn chính là quyền lợi và niềm tin của cộng đồng khi tiếp cận sản phẩm, dịch vụ được giới thiệu.
Theo sggp.org.vn